So sánh sản phẩm

Cách pha nước muối rửa mũi xoang tại nhà

Cách pha nước muối rửa mũi xoang tại nhà

Cách pha nước muối rửa mũi xoang tại nhà

 
Mũi là cửa sổ của đường hô hấp. Ngoài chức năng để ngửi, mũi còn có các chức năng đặc biệt quan trọng là làm ấm không khí, lọc không khí, và làm ẩm không khí trước khi đưa vào phổi. Niêm mạc mũi hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều bụi bẩn và vi trùng, nhất là những người sống trong môi trường ô nhiễm hoặc khí hậu thay đổi thất thường.
Bình thường theo cơ chế sinh lý, các bụi bẩn này sẽ được giữ lại ở lớp niêm dịch và được các tế bào lông chuyển ở niêm mạc mũi đẩy dần đến thực quản. Tuy nhiên, khi niêm mạc mũi bị viêm sưng, nó không thể làm được công việc của mình. Do vậy, việc rửa mũi sẽ giúp phòng và giảm được một số bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, các bệnh do nhiễm siêu vi hoặc vi trùng ở đường hô hấp. Hằng ngày chúng ta quen súc miệng, đánh răng nhưng rất ít người chú ý đến việc rửa mũi!

Rửa mũi bằng nước muối đã được biết đến từ lâu và phổ biến ở nhiều nước1,2. Nước muối đẳng trương (nồng độ 0,9%) có thể sử dụng tốt để rửa mũi cho cả trẻ em và người lớn mà hầu như không gây ra tác dụng phụ nào khi dùng hằng ngày3. Đến nay đã có nhiều công trình khoa học chứng minh hiệu quả của việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý này4,5,6,7,8,9,10,11. Thực tế đã cho thấy rửa mũi thường xuyên còn giúp kiểm soát được các triệu chứng xoang và thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh 12.

Hiện nay, quầy thuốc tây có bán các gói muối kèm theo một dụng cụ chuyên dụng để rửa mũi. Các gói muối này thường có thành phần natri clorid và natri bicarbonat, khi pha với đúng lượng nước quy định sẽ được dung dịch đẳng trương và có pH sinh lý, tác dụng rửa sạch mũi xoang một cách êm dịu, không gây bỏng rát khó chịu.
Cũng có thể dùng loại nước muối sinh lý bán sẵn (chai 500mL). Nhưng loại này không có pH sinh lý và khi dùng phải làm ấm đến nhiệt độ cơ thể.

 
Một số dụng cụ để rửa mũi
 
    
Chai rửa mũi                             neti pot 


Để tiết kiệm chi phí, có thể tự pha dung dịch muối rửa mũi như sau:
 
Recipe #1:
Natri clorid: 1/2 thìa cà phê (khoảng 2 g)
Natri bicarbonat: 1/8 thìa cà phê (khoảng 0,5 g)
Hoà tan 2 thành phần trên vào một cốc nước hơi ấm (khoảng 200 mL) rồi rửa mũi đúng cách13 với dụng cụ thích hợp.
 
Recipe #2:
Thành phần như recipe #1, thêm 1 giọt tinh dầu rau mùi. Tinh dầu mùi có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm, tạo cảm giác sạch sẽ, thông thoáng đường thở tốt hơn. Dùng công thức này trong trường hợp ngạt mũi do viêm, cúm, cảm mạo. Tuy nhiên, dùng nhiều tinh dầu sẽ gây nóng rát và kích ứng mũi.

Recipe #3:
Thành phần như recipe #1, thêm 1 thìa cà phê Xylitol. Xylitol là một hợp chất tự nhiên, có trong nhiều cây rau quả, tác dụng làm dịu và giữ ẩm cho niêm mạc. Hơn nữa, Xylitol còn có tác dụng ức chế phát triển và giảm khả năng bám dính của vi khuẩn trên bề mặt niêm mạc, qua đó giúp bảo vệ, giữ cho xoang mũi luôn sạch sẽ và thông thoáng. Do vậy, chế phẩm khi dùng rửa mũi sẽ cho cảm giác tự nhiên, dễ chịu và hiệu quả tốt hơn so với dung dịch nước muối sinh lý.

 
 
Rửa mũi đúng cách


Một số lưu ý:
  • Pha muối bằng nước cất, nước tinh khiết đóng chai, nước lọc qua màng R.O., màng 0,2 micron hoặc nước đã đun sôi để nguội, ở nhiệt độ hơi ấm, gần với nhiệt độ cơ thể. Không dùng nước lạnh hoặc quá nóng, vì sẽ gây kích ứng niêm mạc mũi dẫn đến phản tác dụng.
  • Các nguyên liệu natri clorid, xylitol và natri bicarbonat phải dùng loại tinh khiết, đạt tiêu chuẩn dược dụng. Có thể mua natri clorid và xylitol dược dụng tại các cửa hàng bán nguyên liệu dược phẩm. Natri bicarbonat (còn gọi là muối nabica) có thể mua tại nhà thuốc tây. Không dùng muối ăn để pha nước rửa mũi vì muối ăn không đạt chất lượng dược phẩm, có thể chứa các tạp chất không an toàn cho niêm mạc xoang mũi.
Dược sĩ CatLinh
Tags:,

Chia Sẻ :

Chat Facebook